Là chương trình liên bang dài hạn được thành lập vào năm 1990, Chương trình Nhà đầu tư Nhập cư EB-5 cho phép các nhà đầu tư nước ngoài theo đuổi việc cư trú tại Hoa Kỳ bằng cách đầu tư vào một dự án tạo việc làm cho người lao động Mỹ. Năm 1992, Quốc hội đã thiết lập Chương trình Trung tâm Khu vực để đơn giản hóa quy trình đầu tư, do đó thu hút thêm nhiều nhà đầu tư để kích thích tăng trưởng kinh tế. Không giống như chương trình EB-5 thông thường, Chương trình Trung tâm Khu vực là một chương trình mang tính tạm thời được tái cấp phép định kỳ, thường là hàng năm. Hai lựa chọn này được gọi là đầu tư EB-5 trực tiếp và gián tiếp, theo đó các khoản đầu tư trực tiếp đề cập đến các khoản đầu tư vào các dự án không được tài trợ bởi một trung tâm khu vực.
Đầu tư EB-5 Trực tiếp và Đầu tư EB-5 thông qua Trung tâm Khu vực khác nhau như thế nào?
Dù người nộp đơn xin thị thực EB-5 lựa chọn mô hình đầu tư EB-5 nào thì họ vẫn phải đáp ứng các yêu cầu cơ bản của EB-5 đó là: họ phải đầu tư số tiền tối thiểu bắt buộc để tạo ra 10 công việc toàn thời gian cho người lao động Mỹ. Số tiền đầu tư tối thiểu đối với cả hai loại đầu tư là như nhau. Sự khác biệt đáng kể nhất giữa hai mô hình là các loại công việc được tính vào tổng số việc làm tạo ra, vai trò của trung tâm khu vực trong quy trình xử lý thị thực EB-5 và cách thức cấu trúc của mỗi mô hình.
Tạo việc làm
Sự khác biệt chính giữa mô hình đầu tư EB-5 trực tiếp và gián tiếp là cách các nhà đầu tư tính toán việc tạo việc làm. Đối với các khoản đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư có thể đếm số lượng việc làm được tạo ra bởi doanh nghiệp thương mại mới (NCE) mà họ thực hiện đầu tư EB-5. Đây thường là các công việc hoạt động liên tục, tuy nhiên chúng có thể bao gồm cả các công việc xây dựng nếu quá trình xây dựng kéo dài từ hai năm trở lên và nếu công nhân xây dựng được NCE hoặc công ty con mà NCE toàn quyền sở hữu trực tiếp sử dụng. Những nhân viên này thường được gọi là nhân viên W-2 hoặc nhân viên thuộc biên chế của doanh nghiệp mà nhà đầu tư góp vốn.
Các nhà đầu tư EB-5 khi đầu tư vào các dự án được tài trợ bởi các trung tâm khu vực có thể tính đến các việc làm trực tiếp, gián tiếp và cả việc làm phụ thuộc, điều này giúp họ dễ dàng đáp ứng yêu cầu về số lượng việc làm bắt buộc. Các việc làm gián tiếp là kết quả của quá trình dự án EB-5 chi tiêu trong khu vực đối với hàng hóa như vật liệu và thiết bị, và các dịch vụ như cố vấn pháp lý, được cung cấp bởi các công ty địa phương. Việc làm phụ thuộc là những công việc được tạo ra bởi người lao động khi tiêu dùng tiền lương của họ. Nhà kinh tế cần thực hiện một nghiên cứu tác động kinh tế để có thể tính toán được số lượng việc làm gián tiếp và việc làm phụ thuộc.
Vai trò của Trung tâm Khu vực
Khi đầu tư EB-5 trực tiếp, nhà đầu tư không làm việc với trung tâm khu vực. Những người thực hiện đầu tư gián tiếp phải đầu tư vào một dự án được tài trợ bởi một trung tâm khu vực do Sở Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ (USCIS) chỉ định. Đơn xin thị thực EB-5 của họ gắn liền với việc tái cấp phép Chương trình Trung tâm Khu vực và trung tâm khu vực phải được USCIS duy trì chỉ định.
Những điểm khác biệt chính trong cấu trúc của các khoản đầu tư EB-5 trực tiếp và gián tiếp
Các khoản đầu tư EB-5 được thực hiện thông qua một trung tâm khu vực thường liên quan đến việc thành lập một số đơn vị, bao gồm một đơn vị tạo việc làm (JCE) hoàn toàn riêng biệt với NCE. Bởi vì các nhà đầu tư này có thể tính các công việc gián tiếp và công việc phụ thuộc tương đương như các công việc trực tiếp, nên các công việc được tạo ra thông qua hoạt động của tất cả các đơn vị sẽ được tính vào tổng số việc làm tạo ra. Ngược lại, các nhà đầu tư trực tiếp chỉ có thể tính các công việc trực tiếp, vì vậy họ phải đầu tư trực tiếp vào một NCE và chỉ có thể tính các công việc do NCE đó tạo ra. Do vậy, các mô hình cho vay cũng không phù hợp với đầu tư EB-5 trực tiếp vì khoản vay liên quan đến ít nhất hai chủ thể – bên cho vay và bên đi vay.
Ngoại lệ đối với quy tắc này là nhà đầu tư có thể đầu tư EB-5 trực tiếp vào các doanh nghiệp thuộc toàn quyền sở hữu bởi công ty mẹ. Trong trường hợp này, công ty mẹ là NCE. Tuy nhiên, nếu khoản đầu tư được tách ra, ví dụ tách ra giữa ba công ty con do NCE sở hữu, thì cả ba công ty này đều phải tạo ra việc làm và một kế hoạch đầu tư và tạo việc làm cụ thể phải được đưa ra trong kế hoạch kinh doanh của cả ba doanh nghiệp. Tương tự, nếu nhà đầu tư muốn giảm số tiền đầu tư thấp hơn bằng cách thành lập NCE trong khu vực việc làm mục tiêu (TEA), thì tất cả các công ty con được hưởng lợi từ khoản đầu tư cũng phải nằm trong TEA được chỉ định.
Tính toán số lượng việc làm tạo ra bởi EB-5 thông qua mô hình đầu tư trực tiếp
Mặc dù việc tính toán số lượng việc làm tạo ra từ các khoản đầu tư trực tiếp nghe có vẻ đơn giản, nhưng cũng có một số loại lao động nhất định sẽ bị loại ra khỏi tổng số công việc này. Để một công việc được tính vào tổng số việc làm, một lao động phải được tuyển dụng bởi chính doanh nghiệp mà nhà đầu tư EB-5 đã đầu tư vào và ở một vị trí cố định toàn thời gian, kéo dài liên tục ít nhất hai năm. Điều này không có nghĩa là chỉ những lao động vẫn làm việc ở một vị trí cố định, liên tục trong đủ hai năm mới được tính. Điều quan trọng là vị trí đó tồn tại trong toàn bộ giai đoạn, ngay cả khi nó không được đảm nhiệm bởi cùng một nhân viên trong suốt thời gian đó.
Do đó, cần đặt trọng tâm vào các vị trí đủ tiêu chuẩn hơn là cá nhân người lao động. Bảng lương và hồ sơ kê khai thuế sẽ được sử dụng làm bằng chứng cho thấy các vị trí đủ điều kiện vẫn duy trì mở trong suốt thời gian theo yêu cầu, cho dù vị trí đó đã có người đảm nhận hay chưa. Để được coi là toàn thời gian, một vị trí phải yêu cầu nhân viên làm việc ít nhất 35 giờ mỗi tuần. Vì tập trung vào vị trí thay vì từng nhân viên, nhiều nhân viên có thể cùng lúc chia sẻ vai trò toàn thời gian nếu có thỏa thuận chia sẻ công việc chính thức.
Những vị trí sau đây sẽ không được tính vào tổng số việc làm tạo ra:
- Các vị trí được đảm nhận bởi những người thực hiện công việc hoặc mảng kinh doanh khác mà không được tuyển dụng trực tiếp bởi doanh nghiệp mà nhà đầu tư EB-5 đã đầu tư vào, chẳng hạn như nhà thầu và nhân viên chi nhánh
- Các vị trí được đảm nhận bởi nhà đầu tư và các thành viên trực hệ trong gia đình họ
- Các vị trí bán thời gian được kết hợp cùng nhau để tạo ra các vị trí “toàn thời gian tương đương”
Một yếu tố quan trọng khác cần xem xét là các vị trí phải được đảm nhận bởi người lao động Mỹ. USCIS định nghĩa một nhân viên đủ điều kiện là
công dân Hoa Kỳ, thường trú nhân hợp pháp hoặc người nhập cư khác được phép làm việc tại Hoa Kỳ, bao gồm thường trú nhân có điều kiện, thường trú nhân tạm thời, người tị nạn, người đang xin tị nạn hoặc người cư trú tại Hoa Kỳ theo diện tạm hoãn trục xuất. Định nghĩa này không bao gồm các nhà đầu tư nhập cư; vợ / chồng, con trai hoặc con gái của họ; hoặc bất kỳ người nước ngoài nào sở hữu thị thực không định cư (chẳng hạn như người có thị thực không định cư H-1B) hoặc người không được phép làm việc tại Hoa Kỳ.
Hơn nữa, nếu nhà đầu tư đầu tư vào một doanh nghiệp nằm trong khu vực việc làm mục tiêu (TEA) với số tiền đầu tư hạn chế thì các vị trí cũng phải được đảm nhận bởi các nhân viên làm việc trong khu vực việc làm mục tiêu được chỉ định.
Vì tạo việc làm là mục tiêu mấu chốt của chương trình EB-5 nên việc chứng minh rằng khoản đầu tư EB-5 có khả năng tạo ra số lượng việc làm bắt buộc là một phần cốt yếu trong kế hoạch kinh doanh được nộp cùng đơn I-526 của nhà đầu tư.
Thiết lập kế hoạch kinh doanh hợp lý cho các khoản đầu tư EB-5 trực tiếp
Kế hoạch kinh doanh phải chứng minh cho viên chức xét duyệt của USCIS rằng đó là một kế hoạch cụ thể và hợp lý nhằm tạo ra số lượng việc làm bắt buộc trong vòng ít nhất 2,5 năm kể từ khi đơn I-526 được chấp thuận. Việc làm được tạo ra phải là kết quả trực tiếp của việc đầu tư EB-5 vào một doanh nghiệp mới chứ không phải vào một doanh nghiệp chỉ thay đổi quyền sở hữu. Các công việc cũng phải đáp ứng nhu cầu cụ thể của doanh nghiệp và mức lương liên quan đến công việc cũng phải phù hợp.
Để giải quyết yêu cầu tạo việc làm một cách đúng đắn, kế hoạch kinh doanh cần bao gồm mô tả công việc, lịch trình tuyển dụng và tổng quan chi tiết về kế hoạch nhân sự. Điều này phải đi đôi với mô tả toàn diện về cách thức đầu tư vào doanh nghiệp và bản thân doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu của chương trình EB-5. Các khía cạnh như mô tả doanh nghiệp và dự báo tài chính phải đủ rõ ràng và chi tiết để chứng minh điều này.
Các mô hình đầu tư EB-5 trực tiếp phổ biến
Do các yêu cầu liên quan đến đầu tư EB-5 trực tiếp, một số dự án EB-5 sẽ phù hợp với mô hình đầu tư trực tiếp hơn những dự án khác. Yếu tố quyết định then chốt là doanh nghiệp thương mại mà nhà đầu tư góp vốn phải khả thi, tức nhu cầu đầu tư là thiết thực và thể hiện rõ khả năng tạo ra đủ số lượng và loại việc làm phù hợp.
Các nhà đầu tư EB-5 có nhiều lựa chọn khác nhau khi đầu tư trực tiếp. Các lựa chọn phổ biến bao gồm nhà hàng, doanh nghiệp thương mại bán lẻ và bán buôn. Tuy nhiên, đầu tư EB-5 trực tiếp cũng thích hợp cho cả các doanh nghiệp chuyên về dịch vụ, sản xuất, nông nghiệp và công nghệ. Nhà đầu tư thậm chí có thể thành lập một chi nhánh mới trong chuỗi nhượng quyền kinh doanh như tiệm làm đẹp hoặc cửa hàng tiện lợi, mua và mở rộng doanh nghiệp kinh doanh đang hoạt động hoặc đầu tư vào một doanh nghiệp đang gặp khó khăn. Trong trường hợp đầu tư vào một doanh nghiệp gặp khó khăn, các công việc mới và sẵn có đều được tính vào tổng số việc làm tạo ra, nhưng chúng phải được tạo ra hoặc duy trì bởi khoản đầu tư EB-5.
Đầu tư theo diện EB-5 vào một doanh nghiệp đang hoạt động
Đầu tư vào một doanh nghiệp đang hoạt động là khả thi nhưng sẽ phức tạp vì nhà đầu tư phải đáp ứng các yêu cầu bổ sung liên quan đến việc biến doanh nghiệp trở thành doanh nghiệp thương mại mới (NCE) và tạo việc làm. Việc chuyển giao quyền sở hữu không biến một doanh nghiệp đang hoạt động trở thành một NCE. Thay vào đó, nhà đầu tư EB-5 phải chứng minh rằng doanh nghiệp đủ điều kiện là một NCE vì (i) doanh nghiệp sẽ được tổ chức lại hoặc tái cấu trúc theo cách tạo ra một doanh nghiệp mới hoặc (ii) việc mở rộng kinh doanh thông qua đầu tư sẽ làm tăng giá trị ròng hoặc số lượng nhân viên ít nhất là 40%.
Một doanh nghiệp có thể được tái cấu trúc hoặc tổ chức lại để hình thành NCE chỉ khi doanh nghiệp ban đầu được thành lập sau ngày 29 tháng 11 năm 1990. Hơn nữa, những thay đổi về hình thức, phong cách hoặc thương hiệu không được xem là tái cơ cấu hoặc tổ chức lại mà những thay đổi này phải toàn diện hơn thế. Ví dụ, biến một nhà hàng thành một hộp đêm hoặc thậm chí một khách sạn bình dân thành một khách sạn cao cấp hạng sang sẽ được coi là đáp ứng điều kiện, nhưng việc sửa sang lại một nhà hàng và đổi tên hoặc chuyển đổi một khách sạn thuộc chuỗi nhượng quyền mô hình bình dân này sang nhượng quyền mô hình tương tự khác thì không.
Việc đáp ứng các yêu cầu tạo việc làm cũng có sự khác biệt. Nhà đầu tư sẽ có một số lựa chọn. Nếu nhà đầu tư có thể chứng minh rằng doanh nghiệp đã thành công khi họ thực hiện đầu tư và họ chỉ mua tài sản hữu hình chứ không phải tài sản vô hình, ví dụ như thương hiệu hoặc danh sách khách hàng, thì nhà đầu tư có thể tính tất cả các công việc mới vào tổng số việc làm họ tạo ra. Nếu không, các công việc được tạo ra bởi chủ sở hữu trước đó phải được khấu trừ khỏi tổng số.
Mặt khác, nhà đầu tư có thể cung cấp tài liệu chứng cứ về số lượng việc làm trước khi họ đầu tư và nắm giữ doanh nghiệp, sau đó đưa ra một kế hoạch rõ ràng, hợp lý về cách họ dự định tạo ra 10 vị trí công việc đủ điều kiện mới trong khi vẫn bảo toàn tất cả các vị trí công việc hiện có.
Cuối cùng, nhà đầu tư có thể chứng minh rằng doanh nghiệp đáp ứng định nghĩa của USCIS về một doanh nghiệp đang gặp khó khăn để được chấp thuận khi tính đến cả các công việc đã có từ trước trong tổng số việc làm tạo ra:
Doanh nghiệp đang gặp khó khăn là doanh nghiệp đã hoạt động ít nhất hai năm và đã bị lỗ ròng trong giai đoạn 12 hoặc 24 tháng trước ngày ưu tiên trong Mẫu đơn I-526 của nhà đầu tư nhập cư. Khoản lỗ trong giai đoạn này phải bằng ít nhất 20% giá trị ròng của doanh nghiệp gặp khó khăn trước khi bị lỗ. Khi xác định liệu doanh nghiệp gặp khó khăn đã hoạt động được hai năm hay chưa, USCIS sẽ xem xét những người kế thừa theo lợi ích của doanh nghiệp gặp khó khăn khi đánh giá xem liệu họ có hoạt động trong cùng một khoảng thời gian với doanh nghiệp mà họ đã thành công hay không.
Loại hình kinh doanh mà nhà đầu tư đầu tư vào cũng sẽ ảnh hưởng đến vai trò của họ trong việc quản lý các doanh nghiệp thương mại mới – NCE.
Vai trò của Nhà đầu tư EB-5 trong việc quản lý doanh nghiệp mà họ đầu tư
Để tuân thủ các yêu cầu của chương trình EB-5, nhà đầu tư phải tham gia vào việc quản lý NCE, nhưng mức độ tham gia sẽ phân cấp từ việc tham gia vào các hoạt động hàng ngày cho đến việc tham gia vào xây dựng chính sách. Mặc dù một số nhà đầu tư thích tham gia trực tiếp vào việc quản lý, nhưng cũng có các nhà đầu tư thiếu kinh nghiệm quản lý hoặc đơn giản là không muốn sinh sống gần doanh nghiệp có thể đảm nhận các trách nhiệm tương tự như một thành viên góp vốn điển hình.
Sự khác biệt trong cách cấu trúc giữa mô hình đầu tư EB-5 trực tiếp và gián tiếp cũng ảnh hưởng đến vai trò của nhà đầu tư trong việc quản lý NCE. Khi đầu tư thông qua một trung tâm khu vực, nhà đầu tư có thể trở thành thành viên của một tổ chức được thiết lập để quản lý khoản vay cấu thành các khoản đầu tư EB-5. Do đó, một nhà đầu tư đầu tư thông qua một trung tâm khu vực có thể giảm bớt mức độ tham gia trực tiếp hơn. Khi đầu tư trực tiếp, nhà đầu tư phải trực tiếp tham gia quản lý NCE, nhưng họ có thể hạn chế sự tham gia của mình vào các quyết định liên quan đến chính sách.
Có bao nhiêu nhà đầu tư có thể cùng đầu tư vào một dự án bao gồm các nhà đầu tư EB-5 trực tiếp?
Một dự án bao gồm đầu tư EB-5 trực tiếp có thể có nhiều nhà đầu tư tính cả EB-5 và các nhà đầu tư khác. Mối quan tâm chủ yếu đó là NCE phải có khả năng tạo ra đủ số lượng việc làm bắt buộc cho mỗi nhà đầu tư EB-5; các nhà đầu tư trong nước và các nhà đầu tư khác không cần cân nhắc đến việc phân bổ tạo việc làm.
Mặc dù không có chính sách chính thức nào quy định rằng các nhà đầu tư không phải diện EB-5 phải thu thập tài liêu nguồn vốn của họ, nhưng USCIS có thể yêu cầu thông tin và tài liệu từ những nhà đầu tư này. USCIS bắt đầu đưa ra các yêu cầu cung cấp bằng chứng liên quan đến các nguồn vốn hợp pháp từ các nhà đầu tư khác vào năm 2019.
Lựa chọn mô hình đầu tư EB-5
Mặc dù đầu tư thông qua trung tâm khu vực từng là lựa chọn phổ biến đối với các nhà đầu tư EB-5, nhưng việc cấp phép Chương trình Trung tâm Khu vực mãn hạn vào tháng 7 năm 2021 đã khiến nhiều nhà đầu tư phải tìm kiếm các lựa chọn khác. Lựa chọn giữa trung tâm khu vực và đầu tư EB-5 trực tiếp là một trong những bước quan trọng nhất trong quy trình đầu tư EB-5 và nhà đầu tư sẽ không thể thay đổi từ hình thức đầu tư này sang hình thức đầu tư khác sau khi đầu tư. Vì từng mô hình có các vấn đề liên quan khác nhau, tốt nhất quý vị nên tham khảo ý kiến của luật sư nhập cư có kinh nghiệm về EB-5 hoặc xin hướng dẫn từ chuyên gia trong lĩnh vực này khi lựa chọn dự án EB-5.
Chúng tôi xin đặc biệt gửi lời cảm ơn tới Suzanne Lazicki, tác giả của Lucid EB-5 Blog, vì nghiên cứu của cô về đầu tư EB-5 trực tiếp.